Hiến pháp 1946 Chế định Chủ tịch nước Việt Nam

Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước đầu tiên của Việt Nam

Sau thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đương đầu với những khó khăn thách thức từ trong nước và quốc tế. Phía Bắc thì quân đội của Tưởng Giới Thạch đang kéo vào để giải giáp quân Nhật., phía Nam là quân Pháp phối hợp với quân đông minh Anh cũng vào giải giáp quân Nhật. Tình hình đất nước lúc này còn rối ren hơn với sự mâu thuẫn giữa các đảng phái, phe phái trong nước, một số có ý định nổi dậy lật đổ chính quyền của Việt Minh.

Điều kiện cấp thiết lúc bấy giờ đòi hỏi phía Việt MinhĐảng Cộng sản Việt Nam phải tập trung sức mạnh, quyền lực nhà nước vào tay một cá nhân đảm bảo sự thống nhất cao, quyết đoán nhanh, ứng biến với mọi tình huống có thể xảy ra với cách mạng. Với chế định chủ tịch nước năm 1946, chủ tịch nước mang một quyền hạn rất lớn để nhằm mục đích bảo vệ vững chắc thành quả mà nhân dân đã đạt được trong cuộc cách mạng tháng tám.

Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cũng được xem là bản hiến pháp mang nhiều tư tưởng tiến bộ, tư tưởng nhân quyền và phân quyền. Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh, bản hiến pháp này chưa có cơ hội đi vào thực tiễn tuy vậy một số giá trị của nó cần được ghi nhận.[1]

Về mặt lý luận nhà nước, bản hiến pháp này đã lần đầu tiên cho ra đời một mô hình tổ chức bộ máy nhà nước là cộng hoà hỗn hợp hay cộng hoà lưỡng tính (vừa kết hợp giữa cộng hoà tổng thống và cộng hoà nghị viện). Về mặt thực tiễn, chế định này đã thành công và được nhân dân đón nhận nhiệt liệt, các lực lượng đối lập, bất mãn, chống đối cũng buộc phải chấp nhận vì nó đã phần nào dung hoà các lợi ích (đảm bảo cho các đảng có đại diện tham gia vào nghị viện mà không thông qua bầu cử).

Sự ra đời của chế định chủ tịch nước trong Hiến pháp 1946 có thể nói bắt đầu từ chủ trương thành lập một chính phủ nhân dân cách mạng theo tinh thần đoàn kết rộng rãi tất cả các tầng lớp nhân dân.

Quy trình, nhiệm kỳ, chế độ trách nhiệm

Hiến pháp 1946 chưa có chương riêng về chủ tịch nước. Theo quy định của Hiến pháp, chủ tịch nước được lựa chọn trong nghị viện nhân dân và phải được 2/3 tổng số nghị viên bỏ phiếu thuận.[2] Điều kiện để trở thành chủ tịch nước phải là nghị viên của nghị viện nhân dân thông qua bầu cử. Đây là điều bắt buộc để phù hợp với một chế độ dân chủ theo quy định của Hiến pháp.

Điều 45 quy định: "Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được chọn trong Nghị viện nhân dân và phải được hai phần ba tổng số nghị viên bỏ phiếu thuận. Nếu bỏ phiếu lần đầu mà không đủ số phiếu ấy, thì lần thứ nhì sẽ theo đa số tương đối. Chủ tịch nước Việt Nam được bầu trong thời hạn 5 năm và có thể được bầu lại. Trong vòng một tháng trước khi hết nhiệm kỳ của Chủ tịch, Ban thường vụ phải triệu tập Nghị viện để bầu Chủ tịch mới."

Nhiệm kì của chủ tịch nước là 05 năm,[2] dài hơn nhiệm kì của nghị viện (03 năm).[3] Vì vậy nhiệm kỳ của chủ tịch nước không phụ thuộc vào nhiệm kỳ của Nghị viện, đây là sự biểu hiện của tính độc lập tương đối của chế định chủ tịch nước với chế định nghị viện. Việc quy định chủ tịch nước với vị trí độc lập tương đối so với nghị viện là thiết chế bảo vệ thành quả mà Đảng cộng sản Việt Nam đã giành được và chống lại các lực lượng đối lập trong và ngoài nước một cách hiệu quả nhất.

Cũng theo quy định, chủ tịch nước không phải chịu trách nhiệm gì trước nghị viện ngoài tội phản quốc,[4] chủ tịch nước có thể thực hiện mọi quyền hạn của mình mà không gặp bất cứ sự truy cứu, phản đối nào, tăng cường sự chủ động, quyết đoán, không phụ thuộc nghị viện trong hoạt động cho chủ tịch nước trong bất kì hoàn cảnh nào xảy ra.

Địa vị pháp lý và quyền hạn

Theo quy định của Hiến pháp 1946, chủ tịch nước đứng đầu chính phủ và nhà nước, nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.[5][6] chủ tịch nước nắm quyền hành pháp cao nhất cũng là đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được thông suốt từ trung ương cho đến địa phương. Với quyền hạn này chủ tịch nước có quyền chỉ đạo tối đa trên nhiều phương diện, lĩnh vực quản lý nhà nước lúc bấy giờ.

Chủ tịch nước là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương là một quyền hạn lớn, giúp huy động nguồn lực để ứng phó với bất kỳ tình huống nào xảy ra. Chủ tịch nước còn là tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân hoặc không quân.

Hiến pháp 1946 quy định cho chủ tịch nước rất nhiều quyền hạn như:[6]

  • Ban bố các đạo luật đã được nghị viện quyết định
  • Thưởng huy chương và các bằng cấp danh dự của nhà nước
  • Đặc xá
  • Ký hiệp ước với các nước
  • Phái đại biểu Việt Nam đến nước ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước
  • Tuyên chiến hoặc đình chiến
  • Chọn thủ tướng trong nghị viện và đưa ra nghị viện biểu quyết
  • Ký sắc lệnh bổ nhiệm thủ tướng, nhân viên nội các và nhân viên cao cấp thuộc cơ quan chính phủ. Chủ tọa hội đồng chính phủ.

Có thể chia thẩm quyền chủ tịch nước theo các lĩnh vực sau:

  • Thẩm quyền đối với quốc gia: Thay mặt cho nước; tổng chỉ huy quân đội và các lực lượng vũ trang; tặng thưởng huy chương và các bằng cấp danh dự; ký hiệp ước với các nước; tuyên bố đình chiến hay tuyên chiến theo quy định của Nghị viện.
  • Thẩm quyền đối với các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp:
    • Đối với quyền lập pháp: chủ tịch nước là thành viên của Nghị viện, có quyền ban bố các Đạo luật đã được Nghị viện quyết nghị; có quyền yêu cầu Nghị viện về sự tín nhiệm Nội các; có quyền triệu tập phiên họp bất thường; và quyền phủ quyết tương đối các dự án luật (có quyền yêu cầu Nghị viện thảo luận lại các đạo luật trước khi ban bố).
    • Đối với quyền hành pháp: chủ tịch nước là thành viên Chính phủ, trực tiếp điều hành Chính phủ bằng cách chủ toạ các phiên họp Chính phủ; chủ tịch nước ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ, nhân viên Nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan Chính phủ, các đại sứ; ký các sắc lệnh của Chính phủ; yêu cầu Nghị viện thảo luận lại vấn đề tín nhiệm Nội các
    • Đối với quyền tư pháp: chủ tịch nước có quyền đặc xá và công bố đại xá

Tính chất đứng đầu Nhà nước (nguyên thủ quốc gia) của chủ tịch nước thể hiện ở chỗ: chủ tịch nước thay mặt cho nước, giữ quyền tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, bổ nhiệm thủ tướng, Nội các, ban bố các đạo luật đã được Nghị viện quyết nghị, thưởng huy chương và bằng cấp danh dự, đặc xá, ký hiệp ước với các nước, phái đại biểu Việt Nam đến nước ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước, tuyên chiến hay đình chiến. Vị trí đứng đầu Nhà nước này cũng giống như ở các nước dân chủ, là có sự phân công phối hợp giữa Nghị viện, Ban thường vụ và chủ tịch nước.

Điều đáng chú ý là các quy định này dường như có lợi cho Đảng cộng sản Việt Nam vì đảng này vừa mới vừa chuyển ra hoạt động công khai nên rất cần có sự bảo vệ của lực lượng vũ trang của quốc gia để chống lại các lực lượng đối lập đang tập trung công kích. Cần nói thêm là quyền hạn này được trao cho chủ tịch nước, tức là Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thông qua chế định chủ tịch nước này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có điều kiện nhằm tập trung toàn bộ sức mạnh thống lĩnh lực lượng vũ trang quân đội, tránh sự phân tán quyền lực không cần thiết gây cản trở ít nhiều trong hoạt động, đồng thời có tác dụng giúp chủ tịch nước huy động sức người tối đa, tổng động viên khi cần thiết, bảo vệ chính quyền (do Việt Minh đang kiểm soát), các cơ quan của Đảng cộng sản từ trung ương cho đến địa phương. Trong giai đoạn này Hồ Chí Minh thật sự có những quyền hạn to lớn như: chủ tịch nước kiêm thủ tướng chính phủ kiêm bộ trưởng bộ ngoại giao, đồng thời là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và là chủ tịch Đảng Cộng sản.

Hiến pháp năm 1946 đã sang tạo một chế định chủ tịch nước được cho là khá độc đáo mang hình ảnh cả một vị tổng thống của nước tư sản để phù hợp hợp với điều kiện lịch sử của Việt Nam (đáng chú ý là chủ tịch nước có quyền phủ quyết tương đối các dự luật của Quốc hội,[7] thảo luận và biểu quyết lại về sự bất tín nhiệm với Nội các[8]).

Tại thời điểm đó, nghị viện nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khá phức tạp và đa dạng với sự tham gia của nhiều đảng phái lớn nhỏ trong nước, đặc biệt là sự hiện diện của hai đảng Việt Quốc, Việt Cách có xu hướng thân Tưởng (được quân tưởng đỡ đầu và bảo trợ), có khuynh hướng chống lại Đảng Cộng sản. Trong 333 ghế đại biểu nghị viên, có 70 ghế cho đại biểu của hai đảng này (không thông qua bầu cử). Đây là điều rất bất lợi cho nghị viện trong việc thông qua những chính sách do Đảng cộng sản dự thảo.

Chủ tịch nước có quyền phủ quyết (veto) những đạo luật của nghị viện, đặc biệt là những đạo luật không có lợi cho chính sách của Đảng Cộng sản, quyết định bất lợi đối với Việt Minh. Quyền hạn này rất giống với Tổng thống Mỹ trong việc phủ quyết các đạo luật của nghị viện kiềm chế quyền lực và đối trọng với nghị viện (trong trường hợp Nghị viện bị các đảng đối lập chiếm đa số). Đây là điểm cho thấy sự ảnh hưởng của bản Hiến pháp Mỹ năm 1787, đặc biệt vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam lúc này là rất phù hợp cho lực lượng cộng sản.

Trên thực tế, trong giai đoạn này Đảng cộng sản Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau không thể công khai tranh cử và công khai lãnh đạo nhưng vẫn đảm bảo được sự lãnh đạo của mình thông qua chế định chủ tịch nước ở chỗ chủ tịch nước cũng đồng thời là chủ tịch đảng. (Nó cũng giống như quy định hiện này ở một số nước trên thế giới hiện nay khi chức danh nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ thường dành cho vị chủ tịch của đảng giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử hoặc chiếm được đa số ghế trong nghị viện).

Mối quan hệ với các cơ quan cao nhất

Có thể thấy rằng, quan hệ giữa chủ tịch nước với các cơ quan Nhà nước khác được thiết lập theo hướng tăng cường quyền lực cho chủ tịch nước, bảo đảm điều hoà và phối hợp các hoạt động lập pháp và hành pháp trong điều kiện các cơ quan này độc lập tương đối với nhau.

  • Mối quan hệ với Nghị viện: chủ tịch nước có những quyền hạn lớn đối với Nghị viện như yêu cầu Nghị viện thảo luận lại những luật mà chủ tịch nước không đồng ý,[7] chủ tịch nước không phải chịu một trách nhiệm nào trừ khi phản bội Tổ quốc.[4] Tuy vậy Nghị viện cũng có khả năng hạn chế quyền của chủ tịch nước, để đảm bảo cho Nghị viện là cơ quan có quyền cao nhất, cụ thể là chủ tịch nước được Nghị viện chọn trong số các nghị viên và phải được hai phần ba tổng số nghị viên bỏ phiếu thuận, chủ tịch nước có thể được bầu lại,[2] những luật mà chủ tịch nước yêu cầu thảo luận lại nếu vẫn được Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc chủ tịch nước phải ban bố[7] và cuối cùng là chủ tịch nước sẽ bị một tòa án đặc biệt của Nghị viện xét xử nếu phản bội Tổ quốc.[9]
  • Mối quan hệ với Chính phủ. Chủ tịch nước là người đứng đầu Chính phủ và chủ tịch nước chọn Thủ tướng chính phủ trong Nghị viện; ký sắc lệnh bổ nhiệm Thứ trưởng và các nhân viên cao cấp khác thuộc cơ quan chính phủ[10] mỗi sắc lệnh của Chính phủ phải có chữ ký của chủ tịch nước, và phải có một hay nhiều Bộ trưởng thuộc lĩnh vực đó tiếp ký.[11]
  • Mối quan hệ với cơ quan tư pháp. Hiến pháp 1946 chưa quy định rõ về mối quan hệ giữa chủ tịch nước với các cơ quan tư pháp mà chỉ nói rằng các viên Thẩm phán đều do Chính phủ bổ nhiệm

Như vậy, có thể thấy chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp năm 1946 có vị trí tương tự như Tổng thống ở chế độ Cộng hoà Tổng thống hay Cộng hoà lưỡng tính của các nước phương tây theo chế độ tư sản. Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà không những là người đứng đầu Nhà nước mà còn là người trực tiếp điều hành bộ máy hành pháp như chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà có quyền chủ toạ Hội đồng Chính phủ, nhưng lại khác với chính thể Cộng hoà Tổng thống khi chủ tịch nước không do cử tri trực tiếp bầu ra hay gián tiếp bầu ra mà do Nghị viện bầu và phải là thành viên của Nghị viện.

Một điểm khác với Chính thể Cộng hoà Tổng thống nữa, đó là bên cạnh người đứng đầu bộ máy hành pháp còn có một bộ máy có tính Hiến định, bảo đảm việc thực thi quyền lực hành pháp ở Nội các, bao gồm Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thứ trưởng. Điều 47 Hiến pháp 1946 quy định: "Chủ tịch nước Việt Nam chọn Thủ tướng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết. Nếu được Nghị viện tín nhiệm, Thủ tưóng chọn các Bộ trưởng trong Nghị viện và đưa ra Nghị viện biểu quyết toàn thể danh sách. Thứ trưởng có thể chọn ngoài Nghị viện và do Thư tướng đề cử ra hội đồng Chính phủ duyệt, nhân viên ban thường vụ Nghị viện không được tham gia vào Chính phủ". Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà giống Tổng thống Mỹ ở chỗ được quyền phủ quyết các dự án luật đã được Nghị viện thông qua, nhưng lại khác với quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ ở chỗ Nghị viện chỉ cần biểu quyết lại, không cần phải biểu quyết mạnh mẽ hơn là 2/3 như ở Mỹ, thì chủ tịch nước buộc phải công bố thành luật có hiệu lực thi hành.

Ở Chính thể Cộng hoà Tổng thống, Tổng thống phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình, có thể bị Nghị viện luận tội theo thủ tục đàn hạch, thì chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà giống như nguyên thủ quốc gia của mô hình Cộng hoà đại nghị là không phải chịu trách nhiệm nào, trừ khi phản bội Tổ quốc.[4]

Tuy chủ tịch nước được quy định thực hiện các quyền hạn lớn hơn cả về lập pháp lẫn hành pháp, song Hiến pháp cũng quy định những hạn chế đối với chủ tịch nước, bảo đảm tính cơ quan có quyền lực cao nhất của Nghị viện. Đó là Nghị viện bầu ra chủ tịch nước trong số nghị sĩ, chuẩn y các hiệp ước do Chính phủ ký với nước ngoài. Hay những luật mà chủ tịch nước yêu cầu thảo luận lại nếu vẫn được Nghị viện ưng chuẩn thì bắt buộc chủ tịch nước phải ban bố. Khi Nghị viện không họp được, Ban thường vụ cùng với Chính phủ quyết định nên tuyên chiến hay đình chiến, chủ tịch nước tuyên chiến hay đình chiến theo quyết định đó, đặc biệt, Nghị viện nhân dân không bị giải tán.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chế định Chủ tịch nước Việt Nam http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZRZj6JA... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTLjqJA... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTLkqIw... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTZcqJA... http://www.mod.gov.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTbjqJA... http://www.mattran.org.vn/home/DatnuocVN/VietNam/C... http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010067/0/7...